Trong Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Người viết “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời di huấn của Bác là kim chỉ nam thôi thúc bao thế hệ thanh thiếu nhi ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.
Vậy tại sao cần phải bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ?
Thanh thiếu nhi là tương lai, là “giường cột” của nước nhà. Thế hệ trẻ hôm nay là những người kế nghiệp cha ông, bảo vệ và xây dựng non sông, gấm vóc. Cho nên tương lai đất nước có phát triển hùng cường hay không thuộc về trách nhiệm của thế hệ trẻ
Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang được hưởng thành quả của các thế hệ cách mạng đi trước. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bao thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc: đó là cuộc đấu tranh giữ nước hàng nghìn năm Bắc thuộc; là cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Thực dân Pháp; là những năm chống Mỹ vô cùng oanh liệt giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối; là cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc; là những cuộc chiến đấu âm thầm, sinh tử bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc….Dấu ấn hy sinh to lớn của ông cha hằn sâu trong từng tấc đất, trên vùng trời, vùng biển nơi dải đất hình chữ S này: từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, từ dải Trường Sơn hùng vĩ đến thành cổ Quảng Trị anh hùng, từ mảnh đất Vị Xuyên- cực Bắc đến miền biên cương xa xôi Tây Nam của Tổ Quốc…đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những dấu vết thương đau còn để lại mà chiến tranh đã gây ra cho Nhân dân ta, đất nước ta. Hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống trên các chiến trường mà phần lớn là những chàng trai, cô gái đầu còn xanh, tuổi còn trẻ. Các anh, các chị đã xả thân, hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc, dũng cảm chiến đấu hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những tấm gương hy sinh dũng cảm như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô vĩnh Diện, Võ Thị Sáu, Nguyên Văn Trỗi, Lê Anh Xuân, 10 cô gái thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc, 64 chiến sĩ trong trận chiến trên đảo Gạc Ma…và hàng nghìn, hàng vạn những người con không tên không tuổi đã ngã xuống cho đất Mẹ đơm hoa kết trái. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm màu cờ, để hôm nay “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.Trong mất mát, đau thương ấy có sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ liệt sĩ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”. Sự hy sinh cao cả của các mẹ đã trở thành biểu tượng cao đẹp cho khí phách oai hùng tạc vào non sông, gấm vóc Việt Nam.
Khi đất nước hòa bình, tuổi trẻ cả nước lại chung tay xây dựng quê hương với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”. Bằng sức trẻ, tài năng, khát vọng cống hiến; bằng sự nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức mọi mặt, hoàn thiện bản thân, chủ động, tích cực, sáng tạo tiếp cận những tiến bộ của thời đại…tuổi trẻ Việt Nam tự hào vì đã có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, những nhà khoa học, nhà phát minh, sáng chế…trên mọi lĩnh vực cả trong và ngoài nước. Tiêu biểu như giáo sư Phùng Văn Đồng, sinh năm 1981, giáo sư trẻ nhất năm 2021. Ông là giảng viên Trường Đại học Phenikaa, nhận bằng tiến sĩ Vật lý lý thuyết và Vật lý toán tại viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu sau tiến sĩ tại KEK (Nhật Bản), CERN (Thụy Sĩ) và AS (Đài Loan). Ông là nghiên cứu viên tại Viện Vật lý từ 2005 đến 2018, Trưởng phòng Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học. Đến nay, giáo sư đã công bố hơn 50 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế, chủ nhiệm 4 đề tài khoa học cấp quốc gia. Đó là gương mặt 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu nhất đã được vinh danh năm 2021- họ là những điển hình xung kích trên tuyến đầu chống dịch tại những điểm nóng cam go nhất, khó khăn nhất để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân như: Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1992, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – tình nguyện tham gia các đội lấy mẫu, sàng lọc F0 tại cộng đồng, tại các vùng tâm dịch; Tiến sĩ Lê Tuấn Thành sinh năm 1984, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Thường trực mạng lưới Thầy thuốc đồng hành – Tiến sĩ đã tích cực tham gia chống dịch với vai trò chuyên gia dự báo và đánh giá nguy cơ dịch bệnh giúp việc cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch covid – 19; Thượng úy Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1983, Khoa Hóa sinh, Phó bí thư Đoàn thành niên Bệnh viện 19/8, Bộ Công an – tham gia mạng lưới đồng hành với vai trò là bác sĩ quản lý điều hành tư vấn sàng lọc người bệnh nhiễm Covid – 19 tại Thành phố Hồ Chí Minh…của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam…và rất nhiều những tấm gương bác sĩ trẻ tuổi tiêu biểu khác.
Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã có 2.300 đại biểu tham dự. Đó là các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ…trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều đoàn viên thanh thiếu niên tiêu biểu được về dự Đại hội, em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh là đại biểu nhỏ nhất. Chúng ta mãi ấn tượng, yêu mến, cảm phục và tự hào với 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 do báo chí bình chọn: đó là cô giáo Trương Thị Nhượng – cô giáo của những trẻ em nghèo vùng cao tỉnh Hà Giang – người đã tận tụy hết lòng trong tất cả các chương trình thiện nguyện vì các em thơ; là Hoàng Anh, “cha đẻ” ATM gạo miễn phí trong Đại dịch Covid-19; là sinh viên Ngô Minh Hiếu – 10 năm cõng bạn đến trường; là Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, tỉnh Quảng Bình – Phan Thanh Miên – đã mãi mãi ra đi trong trận lũ miền Trung khi đưa người dân đến nơi an toàn…
Những tấm gương tuổi trẻ tài năng, sáng tạo, dũng cảm, luôn có hoài bão, khát vọng dù trong thời đại và hoàn cảnh lịch sử nào chính là những nhân tố tích cực, tiêu biểu thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Họ là “hiền tài”, là “nguyên khí quốc gia”, là niềm tin, hy vọng, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay.
Bên cạnh những tấm gương tuổi trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, thì thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đang dần nhạt phai lý tưởng, có lối sống thiếu lành mạnh, lười nhác, chỉ biết hưởng thụ hoặc sa đà vào những thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội, thậm chí là lầm đường lạc lối, bị lợi dụng, quay lưng lại với những giá trị truyền thống, lợi ích dân tộc, phản bội lại quê hương, đất nước…
Đó là hiện tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, gia tăng cả về số lượng và mức độ trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Cũng thời gian trên, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 516 vụ phạm pháp do người dưới 18 thực hiện, truy bắt 884 đối tượng gây án. Trong đó độ tuổi tội phạm dưới 14 chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Trong số 884 người phạm tội, có tới 553 thanh thiếu niên bỏ học, chiếm tỷ lệ 71,44%. Đặc biệt, nhiều vụ việc cho thấy, thủ đoạn phạm tội của nhiều đối tượng có tính chất rất nguy hiểm...
Đó là hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Theo thống kê của bộ Công an, có 60% số người sử dụng trái phép chất cấm này ở độ tuổi từ 15 đến 25, xuất phát từ những lý do rất đơn giản, như “thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết”, “nghe bạn rủ rê”, hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười…sử dụng lâu thành quen, rồi tăng liều và dần dần thành con nghiện. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử mà trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não và tim mạch. Chất gây nghiện còn có trong các loại đồ ăn, nước uống bắt mắt, được bán ở những địa điểm tập trung nhiều người trẻ, xung quanh một số cổng trường học như “nước vui”, “bùa lưỡi”, “khô gà”…khiến các bạn trẻ sử dụng và lệ thuộc vào ma túy từ lúc nào không hay. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1- Hà Nội Nguyễn Ái Học cho hay “Qua thực tế tiếp xúc với học viên, chúng tôi thấy rằng, có rất nhiều “con đường” khiến người trẻ vướng vào ma túy, gồm cả nguyên nhân chủ quan, khách quan…”
Đó là tình trạng xuống cấp trong lối sống của một bộ phận giới trẻ: sống buông thả, ích kỷ, thiếu lý tưởng...; đó là hiện tượng bạo lực học đường, những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng (vứt rác bừa bãi, trang phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục…). Đáng lo ngại nữa là một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có xu hướng sống nhanh, sống gấp, sống hưởng thụ dẫn đến sự lệch chuẩn trong quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội, quan hệ nam nữ có chiều hướng gia tăng. Tình yêu vốn thiêng liêng cần được nâng niu, trân trọng đã bị một số bạn trẻ biến thành mối quan hệ thực dụng, tầm thường “yêu cho vui”, “góp gạo thổi cơm chung”. Một số học sinh THPT, THCS vốn trắng trong, thanh khiết nay thản nhiên bày tỏ tình cảm nơi chốn đông người…Hậu quả là học tập sa sút, mang thai ngoài ý muốn, đau lòng có nữ sinh “trót dại”, sinh con rồi mang vứt bỏ khúc ruột của mình rồi bị khởi tố về tội “giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ”…Có bạn trẻ khi mắc sai lầm rơi vào trang thái hoang mang, tuyệt vọng và tìm đến cái chết…Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hà Nội, có đến 40% số học sinh từng quan hệ tình dục (THCS khoảng 10%. THPT khoảng 39%). Quan hệ tình dục quá sớm, lại thiếu kiến thức về an toàn sức khỏe sinh sản nên tình trạng nạo phá thai, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, vô sinh…càng gia tăng đáng báo động. Năm 2017 với 300.000 ca phá thai đã đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên cao nhất khu vực Đông – Nam Á.
Nghiện game online cũng là một vấn nạn đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay. Tác hại của loại hình giải trí này cũng vô cũng lớn. Game onlnine đã khiến cho nhiều thanh thiếu niên trở thành “con nghiện”, sống thiếu lý tưởng, thiếu định hướng, bỏ bê học hành, công việc…Khi không có tiền chơi game, con nghiện đi vay tiền để chơi trở thành con nợ. Cứ thế trượt dài, chìm đắm trong các trò chơi ảo và sẵn sàng phạm tội: từ trộm cắp vặt đến việc thực hiện hành vi nghiêm trọng giết người, cướp của. Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra vô cùng đau lòng mà hung thủ là những con nghiện game, họ đều là những thanh niên lêu lổng, nghiện game, muốn có tiền chơi game thỏa mãn cơn nghiện mà sẵn sàng đoạt mạng sống của đồng loại. Nhiều làng quê Việt Nam, vốn yên bình đã bị vấn nạn game phá vỡ. Người dân lo ngại không dám đeo đồ trang sức, gia cố nhà cửa an toàn đề phòng trộm cắp…
Đáng lo ngại hơn khi một bộ phận thanh niên là đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và Nhà nước ta. Các thế lực thù địch đã lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội để “tiêm nhiễm” tư tưởng độc hại vào giới trẻ; lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng các chiêu trò: phát tán tài liệu có nội dung sai lệch, sai sự thật: xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng, thành tựu phát triển của đất nước; chê bai, nói xấu xã hội; cổ súy tư tưởng “sùng ngoại”…gieo rắc vào tư tưởng thanh thiếu niên sự hoài nghi, mơ hồ, mất phương hướng…Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến nhiều là các bạn sinh viên, trí thức, là các du học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập, làm việc ở nước ngoài dưới các hình thức: trao học bổng, tài trợ kinh phí, liên kết đào tạo…để nuôi dưỡng trí thức ‘lệch hướng” với âm mưu đây sẽ là lực lượng làm thay đổi chế độ chính trị của đất nước ta trong tương lai. Ngoài ra, các thế lực thù địch còn tăng cường phát tán các sản phẩm đồ trụy, bạo lực…nhằm tha hóa giới trẻ, khiến các bạn trẻ sa vào lối sống thực dụng, thích hưởng lạc…mà lơ là việc học tập, rèn luyện, phấn đấu, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Thâm độc hơn, các thế lực thù địch còn dùng mọi thủ đoạn bôi nhọ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; thổi phồng các vụ việc tiêu cực…khiến giới trẻ bất mãn với chế độ, thiếu lòng tin, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…Thực tế trong thời gian qua, đã có thanh niên sa chân vào cạm bẫy của các thế lực thù địch, tham gia biểu tình gây rối…làm mất tình hình an ninh, chính trị ở một số địa phương.
Thực trạng nêu trên của một bộ phận thanh thiếu niên thật đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân từ đâu? Giải pháp nào cho công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ?
Trước hết là vai trò, trách nhiệm của gia đình.
Gia đình là chiếc nôi đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ. Truyền thống và giáo dục gia đình có ảnh hưởng phần lớn đến cuộc đời mỗi người. Song thực tế xã hội hiện đại ngày nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là những rắc rối về kinh tế. Gánh nặng kinh tế luôn làm cho mỗi gia đình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều gia đình cơm không lành, canh chẳng ngọt vì khó khăn tài chính, vì không thể lo cho mọi thành viên một cuộc sống đầy đủ…; đó là ảnh hưởng của công nghệ số choáng ngợp đến từng gia đình. Các thành viên trong gia đình hiện đại hôm nay đều đang bị các thiết bị công nghệ chiếm hữu nhiều thời gian, từ người lớn đến con trẻ; các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình cũng rộng mở; họ không còn dành nhiều thời gian cho nhau; sự gần gũi, yêu thương, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình mỗi ngày càng lỏng lẻo; tình trạng đổ vỡ hôn nhân nhất là các gia đình trẻ gia tăng đáng báo động…dẫn đến hệ lụy rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự giáo dục, chăm lo của gia đình. Nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong những suy nghĩ lệch lạc, hoang dại, sa đà vào rất nhiều những thói hư tật xấu và dễ dàng bị lợi dụng lầm đường lạc lối…
Bởi vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề về gia đình một cách thiết thực, hiệu quả. Các chính sách về gia đình phải được triển khai đồng bộ, thực chất, bắt đầu từ những đơn vị hành chính nhỏ nhất (tổ dân phố, xóm, làng); phải có chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn của gia đình hiện nay như: xóa bỏ các hủ tục, phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em…; nâng cao trình độ dân trí, kiến thức, kỹ năng… để mỗi thành viên trong gia đình hiểu được vai trò, tầm quan trọng của gia đình, của mỗi cá nhân (trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ? con cái?) trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt là đề cao những giá trị gia đình truyền thống, về đạo hiếu, về nền nếp gia phong…đã tạo nên những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Bởi chỉ khi mỗi gia đình ổn định, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển, phồn vinh. Thực tế cho thấy, những thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, có lối sống thiếu lành mạnh thì phần lớn được sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu hoặc ít có sự quan tâm của cha mẹ. Vì thế, giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi người. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Sau gia đình, nhà trường có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Nếu mỗi người được sinh ra và lớn lên trong yêu thương của gia đình thì nhà trường là mảnh đất tốt tươi để ươm mầm tri thức, là bệ phóng để mỗi người phấn đấu cho tương lai tươi sáng. Thực tế hiện nay, các nhà trường cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức trong công tác giáo dục, nhất là giáo dục lý tưởng sống, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh khi có quá nhiều những mặt tiêu cực của xã hội đang len lỏi vào môi trường học đường (như thực trạng về thanh thiếu niên đã nêu ở trên). Vì vậy, mỗi nhà trường càng cần phải đổi mới, sáng tạo và có nhiều giải pháp trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Nhà trường phải đặc biệt coi trọng chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, phải làm cho thế hệ trẻ không thể và không được phép quên quá khứ hào hùng của dân tộc; làm làm cho các thế hệ học sinh phải nhận thức rất rõ: để có ngày hôm nay, các em được cắp sách đến trường, được sống trong hòa bình, trong một đất nước đang từng ngày phát triển…thì bao thế hệ ông cha đã phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, máu xương để bảo vệ, dựng xây non sông gấm vóc này; màu đỏ của cờ Tổ quốc là màu máu của biết bao anh hùng liệt sĩ; những vết thương chiến tranh để lại vẫn hiện hữu…để nhắc nhớ các em phải luôn biết ơn, trân trọng và tự hào. Từ đó, biết sống có lý tưởng, có mục tiêu phấn đấu, không quay lưng lại với quá khứ, phản bội lại quê hương đất nước. Thực tế, giới trẻ hiện nay, nhiều em không thích, không muốn học lịch sử, thậm chí những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước các em cũng không nhớ, những tấm gương anh hùng liệt sĩ tên tuổi các em cũng không rõ, những bài hát truyền thống, bài hát cách mạng các em cũng không thuộc…; điểm các bài thi môn Lịch sử trong các kỳ thi quốc gia những năm qua vô cùng thấp là một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về công tác giáo dục truyền thống. Chính lỗ hổng này, dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên nhạt phai lý tưởng sống, có lối sống thực dụng và dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những chiêu trò của các thế lực thù địch. Vậy nên, hơn bao giờ giờ hết, công tác giáo dục truyền thống cần được đặc biệt quan tâm trong các nhà trường giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa: thăm và tìm hiểu địa chỉ đỏ, các hoạt động tri ân về nguồn, phổ biến các bài hát truyền thống, những gương anh hùng liệt sĩ tiêu biểu; gương lao động, học tập, công tác điển hình…
Nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, sinh viên; ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm xâm nhập vào học đường; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú thông qua các sân chơi ngoại khóa, có sức hấp dẫn để học sinh, sinh viên tiếp nhận các nội dung một cách thiết thực, hứng thú, hiệu quả, trách nhiệm như các hoạt động: Lễ chào cờ, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các chuyên đề, cuộc thi, hội thảo, tọa đàm…Các nhà trường cần phải coi trọng giáo dục bài học về lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia; về các chuẩn mực xã hội…để học sinh, sinh viên luôn có ý thức tích cực, trau dồi nhân cách, sống trung thực và yêu thương con người, biết sống vì mọi người “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tình yêu thương ấy bắt nguồn từ điều giản dị nhất: biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị em; biết kính trọng thầy cô, hòa nhã, thân thiện, giúp đỡ bạn bè; có tinh thần chia sẻ vì cộng đồng…
Nhà trường cần phải coi trọng giáo dục các kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nhất là trong thời đại công nghệ như hiện nay: kỹ năng giao tiếp với thầy cô, với bạn bè; kỹ năng ứng xử các tình huống trong học tập và cuộc sống; kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ, hợp tác; kỹ năng lãnh đạo bản thân, tiết chế cảm xúc; kỹ năng bảo vệ mình trong tình trạng bạo lực học đường gia tăng; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn để không sa vào các trang “mạng đen”, các thông tin không chính thống, sai lệch… dễ bị kích động, lôi kéo…
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên phải là trách nhiệm của các lực lượng trong nhà trường: từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến người lao động. Nhà trường phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, các quy định, nội quy để học sinh thực hiện. Công tác giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên nói chung phải được quán triệt sâu rộng trong đội ngũ Nhà giáo, để mỗi người làm công tác giáo dục nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết trong công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Trụ cột thứ ba trong công tác giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng thuộc về các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội...
Đảng ta luôn đề cao vai trò của thanh niên, xác định đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là đội hậu bị tin cậy của Đảng, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Ở bất kỳ thời đại nào, Đảng ta cũng đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát triển nguồn lực. Trong những năm gần đây, Đảng ta đã có một số Nghị quyết quan trọng về thanh niên như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 09/02/1991 “Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên”; Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Ban chấp hành Trung ương khóa VII về công tác thành niên trong thời kỳ mới; Nghị quyết 25 – NQ/TW ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 2011 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011; Luật Thanh niên 2005…
Với những chính sách trên, thanh niên Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phần lớn thanh niên có trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ cao, sống có lý tưởng, hoài bão và khát vọng; có ý thức vươn lên lập thân, lập nghiệp; có tư duy sáng tạo và năng động; có tinh thần trách nhiệm sẻ chia vì cộng đồng, vì quê hương, đất nước; có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh từng bước phát triển; tỷ lệ đoàn viên, đảng viên ngày càng tăng…
Để phát huy được những thành tựu đã đạt được của thanh niên, khắc phục những tồn tại, hạn chế (như đã trình bày ở phần trên của bài viết), các các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan ,đơn vị cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác thanh viên, chăm sóc và bảo vệ thiếu niên nhi đồng. Các chính sách về thanh niên, về trẻ em cần được triển khai quyết liệt và hiệu quả, tạo các điều kiện thuận lợi, cơ hội để thanh niên được phát triển và khẳng định sức trẻ, tài năng và trí tuệ trong mọi lĩnh vực. Các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm đến việc làm, công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên. Bên cạnh đó, phải tạo mọi điều kiện tốt nhất chăm lo đời sống tinh thần, thể chất cho thanh thiếu niên qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…
Các tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, Đội thiếu niên cần phát huy tốt vai trò của tổ chức, tập hợp thanh thiếu niên; tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, giúp thanh thiếu niên hiểu đúng, hiểu đầy đủ đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, để giới trẻ thấy được trách nhiệm của bản thân trước tương lai và vận mệnh của đất nước. Thông qua các hoạt động phong phú và hữu ích của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, thanh thiếu niên được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, chuyên môn, kỹ năng sống…có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận diện được những quan điểm sai trái, xuyên tạc…để không bị dụ dỗ, lôi kéo, sa đà vào những thói hư, tật xấu, các tệ nạn xã hội nhất là có tư tưởng lệch lạc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội phải đổi mới, sáng tạo trong phương thức hoạt động để thu hút và tập hợp được đông đảo thanh thiếu niên tham gia, tạo sức mạnh của tổ chức; tăng cường xây dựng và lan tỏa các hình ảnh cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến…
Để công tác giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ thì việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Nếu như gia đình là nôi nuôi dưỡng đầu tiên của mỗi người, nhà trường là bệ phóng thì xã hội là nơi để con người phát triển và thành công. Vậy nên việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, sức mạnh tổng hợp để giáo dục thanh thiếu niên.
Để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác giáo dục thế hệ trẻ, đòi hỏi cả xã hội phải có nhận thức sâu sắc, toàn diện về trách nhiệm chăm lo, giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Mỗi nhà trường phải xây dựng được đội ngũ Nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu học sinh, hết lòng vì các em; có nhiều hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên nhưng không khô cứng, giáo điều mà dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu…Mỗi gia đình phải sống mẫu mực, hòa thuận, thương yêu nhau…để con cháu noi gương, tự hào, phấn đấu. Cha mẹ phải thường xuyên phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo để nắm tình hình học tập và rèn luyện của con em, phối hợp với thầy cô định hướng, giáo dục con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để con được phát triển năng lực phù hợp…
Nhà trường, gia đình và xã hội phải thống nhất mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Nhà trường phải tuyên truyền, trao đổi để mỗi bậc cha mẹ hiểu rõ được trách nhiệm của gia đình trong giáo dục đạo đức cho con em. Gia đình phải tạo các điều kiện thuận lợi, tốt nhất và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong quá trìnhgiáo dục đạo đức các em. Nhà trường, gia đình phải phối hợp với cộng đồng để cùng giáo dục (tổ dân phố, xóm, làng, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội…)
Có thể khẳng định: bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng và cấp thiết nhất là trong giai đoạn đất nước hội nhập và phát triển như hiện nay. Đây là vấn đề sống còn, là tương lai của dân tộc. Hơn bao giờ hết, cả xã hội phải chung tay, dành những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ, để các em được phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực, trình độ, trí tuệ, nhân cách, tâm hồn tốt đẹp, đáp ứng với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hùng cường như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu.
Cao Hồng Chín
Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền